Chợ Quê

0
Shopping Cart(3)

Từ tay trắng thành chủ trang trại 3.000 gà đẻ

Tin tức - sự kiện 15 comments 29/03/23 by Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Tốt nghiệp THPT năm 2012, Hiếu, trú xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, không thi đại học mà sang Angola lao động, mong muốn kiếm ít vốn về quê làm ăn. Nhưng do tiền Angola mất giá, Hiếu đành về nhà sau hơn một năm với số nợ hơn 100 triệu đồng vay đi xuất khẩu.

Sau vài tháng suy nghĩ, Hiếu quyết định ở quê lập nghiệp. Trong một lần cùng đoàn nông dân của xã đi giao lưu, học hỏi cách nuôi gà ở miền Bắc, anh thấy họ ngoài bán trứng còn kinh doanh thêm gà thịt, tiêu thụ rất dễ. Ở quê bố mẹ cũng nuôi gà đẻ, cho ấp trứng lấy con giống bán, nhưng quy mô nhỏ, hư hỏng nhiều. Hiếu tự hỏi sao không áp dụng mô hình này?

Ông chủ trẻ Nguyễn Hữu Hiếu bên trang trại nuôi gà. Ảnh: Đức Hùng

Ông chủ trẻ Nguyễn Hữu Hiếu bên trang trại nuôi gà. Ảnh: Đức Hùng

Anh về đặt vấn đề với bố Nguyễn Hữu Liêm, 70 tuổi, mượn đất vườn đồi của gia đình, nhờ vay ít vốn xây chuồng. Nhưng ông Liêm phản đối: "Mày ít tuổi, chưa vợ con. Xây trang trại thế này tiền đâu mà đầu tư, lỡ thua lỗ thì ai gánh nợ".

Không từ bỏ, Hiếu kiên trì thuyết phục gia đình, bữa cơm nào chủ đề nói chuyện cũng là nuôi gà. Sau vài tuần ông Liêm đồng ý cho mượn đất, còn tiền thì không.

Trên diện tích 200 m2, Hiếu vay mượn của họ hàng, ngân hàng được 100 triệu đồng để khởi nghiệp. Từng có kinh nghiệm xây dựng ở Angola, anh tự mua vật liệu về xây chuồng trại, con giống nhờ bố mẹ lựa chọn, tiền thức ăn thì khất nợ.

Hiếu nuôi gà ấp trứng bán con giống, cạnh tranh với chính cơ sở của bố. Giai đoạn đầu công việc không thuận lợi, 700 con gà mắc bệnh, chết khoảng 200, trứng ấp nở không đều. Hiếu gặp bố hỏi kinh nghiệm, đến nhiều trang trại nhờ chỉ cách mua vaccine. Khi gà sống khỏe, trứng ấp nở đều thì giá lại xuống thấp. Anh nhiều đêm trằn trọc vì số nợ đi Angola chưa trả, giờ thêm khoản vay mới.

Hơn một năm cầm cự, giá gà phục hồi, Hiếu ngoài bán con giống còn tiêu thụ thêm trứng, gà thịt cho cơ sở của bố cùng một số trang trại trong xã. Thấy nhu cầu nuôi gà của người dân trên địa bàn rất lớn, nhưng thiếu giống, phải lấy ở tỉnh xa, anh lại suy nghĩ mở rộng cơ sở.

Gà giống và gà thịt nuôi trại hệ thống trại do Hiếu sở hữu. Ảnh: Đức Hùng

Gà giống và gà thịt nuôi tại hệ thống trang trại do Hiếu sở hữu. Ảnh: Đức Hùng

Cũng như lần đầu đầu khởi nghiệp, ông Liêm ngăn cản kế hoạch của con vì mở rộng rủi ro cao, lỡ gặp đợt dịch bệnh thì "trời cũng không cứu được".

Hiếu lần thứ hai "chống" bố, dồn hết vốn mở thêm 3 trang trại trên khu đất rộng hàng nghìn mét vuông của gia đình, mua hàng nghìn con gà về nuôi. Nhưng năm 2018, dịch bệnh gia cầm xảy ra diện rộng, trứng và con giống không thể tiêu thụ, đành phải bán rẻ.

Tới năm 2019, bệnh gia cầm được khắc phục, cơ sở của Hiếu dần được nhiều đối tác trong và ngoài tỉnh đến hợp tác. "Tôi đi từ thấp lên cao, lấy ngắn nuôi dài, hạn chế rủi ro nhất có thể. Ban đầu hàng xóm nghĩ tôi làm cho vui, chính quyền không nghĩ sẽ thành công. Nhưng bây giờ sự hoài nghi ấy tan biến", Hiếu nói.

Hiện anh Hiếu đã lấy vợ, sở hữu 4 trang trại, nuôi 3.000 con gà giống D310 Dabaco trên tổng diện tích hơn 1.000 m2. Do thời tiết ở Hà Tĩnh mùa hè oi bức, mùa đông lạnh buốt, anh phải lắp hệ thống quạt làm mát bao quanh chuồng trại, cài tự động theo giờ để sưởi ấm vào mùa đông và kích thích gà đẻ trứng.

Mỗi ngày, Hiếu có 2.500 gà đẻ, thu 2.000-2.500 quả trứng, bán 3.000 đồng mỗi quả, cho thu nhập khoảng 7 triệu đồng. Ngoài ra, gà thịt bán 85.000 đồng một kg, hai tủ ấp trứng công suất mỗi tủ 25.000 quả dùng để bán trứng gà lộn và xuất con giống cũng cho lời đáng kể.

"Tổng doanh thu bán hàng một năm đạt khoảng 2,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 700 triệu đồng", Hiếu chia sẻ. Thị trường ban đầu bó hẹp trong xã, nay Hiếu đã mở rộng ra các tỉnh Quảng Bình và Nghệ An.

Lao động tại trại gom trứng gà để bán cho đối tác. Ảnh: Đức Hùng

Lao động gom trứng gà bán cho đối tác. Ảnh: Đức Hùng

Thời điểm này Hiếu đã đầu tư hơn một tỷ đồng vào phát triển hệ thống chuồng trại. Cơ sở thuê 2 nhân công thường trực, trả lương mỗi tháng hơn 7 triệu đồng, ngoài ra còn thêm 4-5 lao động thời vụ. Hiện các khoản vay khởi nghiệp đã trả hết, vợ chồng trẻ xây được nhà khang trang, sắm ôtô, kinh tế khá, có tích lũy.

Ông Phan Trần Hưng, Phó chủ tịch xã Ngọc Sơn, đánh giá Hiếu còn trẻ nhưng rất táo bạo trong phát triển kinh tế, là điển hình cho những người trẻ nỗ lực làm giàu tại quê hương, thay vì làm thuê ở phương xa.

Hiếu đặt kế hoạch duy trì sự ổn định của mô hình trong vài năm tới, sau đó mới nghĩ hướng đột phá. "Tôi luôn tâm niệm, mỗi ngày là một thử thách, vì thế phải không ngừng cố gắng ngay khi trời vừa hửng sáng", anh nói.