Chợ Quê

0
Shopping Cart(3)

Người phụ nữ "biến" rác thành tiền

Nông nghiệp 4.0 15 comments 23/09/21 by Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Để rồi, đứa con tinh thần “Chế phẩm sinh học đa dụng” không chỉ mang lại thành công cho chị mà còn là “cứu cánh” của nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước. Chị là Trịnh Thị Hồng, Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Minh Hồng, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng-một trong 10 cá nhân được vinh danh tại Lễ trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2019.

Biến rác… thành tiền

Nhắc đến Trịnh Thị Hồng, bất cứ người dân nào của phường Hòa Minh cũng đều biết đến với tên gọi đầy trìu mến: “Hồng rác thải”. Lý giải về danh xưng lạ lùng này, Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Minh Hồng mỉm cười, chia sẻ: “Thành công của tôi hôm nay nhờ... rác. Có những thời điểm tôi ăn cùng rác, thức cùng rác, ngủ cũng cùng rác. Thời gian đầu chưa hiểu, chồng con đều phản đối kịch liệt việc tôi làm. Sau này, cả hai lại là người ủng hộ, động viên nhiều nhất những khi tôi thất bại”.

Trải lòng về khoảng thời gian “bén duyên” với rác, chị kể: “Vào khoảng cuối năm 2011, khi xe vận chuyển rác thải của khu vực nơi tôi đang sống bị hỏng 4 ngày không chuyên chở rác được, nên rác thải hữu cơ bị phân hủy, gây mùi hôi ô nhiễm môi trường. Thế là tôi chợt nghĩ: "Liệu có thể tái chế rác thải, biến rác thải thành tiền được không?”.

Đúng dịp này (đầu năm 2012), chị Hồng tham gia đoàn đại biểu phụ nữ TP Đà Nẵng sang Philippines dự Hội thảo “Phát triển cộng đồng nghèo châu Á”. Tại đây, chị đặc biệt tâm đắc với phương pháp ủ rác thải thực vật để tạo ra những sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường của người Nhật Bản. Vậy là những ngày ở Philipines, chị tìm mọi cách tiếp cận đoàn đại biểu Nhật Bản để tìm hiểu kỹ phương pháp này.

Trở về nước, chị bắt tay vào thử nghiệm phương pháp ủ rác thải thực vật thành chế phẩm nước rửa chén. Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực tiễn là một khoảng cách khá dài. Thử nghiệm, thất bại, rồi lại thử nghiệm và lại thất bại... Mất 5 năm ròng rã, sau hàng trăm lần thất bại, cuối cùng chị đã thành công. Còn nhớ, giây phút cầm trên tay dung dịch nước rửa chén, lau nhà sinh học được chiết xuất từ… rác, chị vẫn chưa dám tin mình đã thành công. Sản phẩm ban đầu được chị em Hội Phụ nữ (HPN) phường Hòa Minh hồ hởi đón nhận và tích cực phổ biến, quảng bá để nhiều người cùng biết.

Chưa hài lòng với kết quả ban đầu, bởi theo chị, sản phẩm thô từ công thức của chế phẩm vẫn còn nhiều hạn chế nhất định như chưa tạo được màu, mùi và còn cặn bã, nhìn chưa bắt mắt. Khắc phục những hạn chế này như thế nào? Và cứ thế, chị lại lao vào nghiên cứu, thử nghiệm… Kết quả, sản phẩm nước rửa chén do chị nghiên cứu trở nên “bắt mắt” với nhiều màu sắc và hương thơm hấp dẫn. 

Nói về những lợi ích khi sử dụng sản phẩm nước rửa chén “made in Minh Hồng”, trên cơ sở khoa học cũng như những so sánh của các bà nội trợ khẳng định: Giá thành sản phẩm rẻ hơn nhiều lần so với sản phẩm cùng loại trên thị trường; tính năng làm sạch vượt trội; sản phẩm đặc biệt an toàn vệ sinh thực phẩm, không hóa chất độc hại, không gây kích ứng da, lại thân thiện với môi trường. Ngoài ra, loại nước tẩy rửa này có thể khử mùi hôi, thông cống thoát nước, diệt bọ gậy, loăng quăng và các loại côn trùng, như: Muỗi, kiến, gián…

“Bí quyết không của riêng mình”

Đến nay, nhiều người vẫn chưa hết thắc mắc rằng, tại sao công thức “Chế phẩm sinh học đa dụng” mà bản thân chị phải tốn bao công sức mới nghiên cứu thành công lại được chính chị đem ra chia sẻ với cộng đồng xã hội một cách nhẹ nhàng đến vậy? Không hoa mỹ, chị chỉ nói rằng: "Tôi khôn lớn và thành công như ngày hôm nay cũng là nhờ những vòng tay nhân ái của xã hội, của những người nghèo đã nhường cơm sẻ áo cho 5 anh em tôi thuở còn cơ hàn. Những việc tôi làm đều với một mục đích là giúp đỡ những gia đình còn khó khăn có điều kiện để thoát nghèo, như giúp chính bản thân mình”.

Sinh ra là con út trong gia đình 5 chị em, vừa lọt lòng, chị Hồng đã mất mẹ. 5 anh em đùm bọc rau cháo nuôi nhau. Ký ức tuổi thơ của chị là những tháng ngày gian nan, đói khát, vất vả và cơ cực. Việc học cũng theo đó mà phải đứt quãng nhiều lần. Và chính cuộc sống cơ cực thời thơ ấu đã tạo cho chị luôn có sự đồng cảm, sẻ chia với những mảnh đời khốn khó.

Để mở rộng sản xuất, chị Hồng mở các lớp tập huấn miễn phí quy trình sản xuất chế phẩm cho các chi hội phụ nữ trên địa bàn phường Hòa Minh (Đà Nẵng); sau đó “chọn” những người thực sự có nhu cầu việc làm để đặt hàng sản xuất và bao tiêu sản phẩm với mức hạn chế: 2.000 lít/hộ (mục đích để chị có thể giúp đỡ nhiều người hơn). Công thức chế biến rác thành dung dịch tẩy rửa khá đơn giản. Nguyên liệu ban đầu gồm 3kg rác thực vật (lá cây, rau, củ, quả...), đem rửa sạch, cắt ngắn khoảng 3cm kết hợp với 10kg nước lã và 300gam đường tinh bột trộn đều và ủ trong thùng kín 30 ngày. Kết thúc công đoạn này sẽ thu được thứ dung dịch thô màu vàng, có thể dùng được ngay. Tuy nhiên, dung dịch có nhược điểm: Mùi hôi khó chịu. Để khử mùi hôi và tạo màu, chị Hồng đem ủ thêm 45 ngày với các chế phẩm có màu như cà tím, nghệ tinh bột để cho ra dung dịch rửa chén và lau nhà hoàn hảo.

Từ dung dịch thô thu được sau 30 ngày ủ của các hộ, công ty của chị bao tiêu với giá 3.000 đồng/lít. Với cách làm này, Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Minh Hồng giải quyết việc làm bán thời gian cho 132 hộ nghèo tại nhà với thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng. Thu gom, xử lý 94.000kg rác hữu cơ tại cộng đồng/tháng để sản xuất 59.200 lít sản phẩm các loại, đạt doanh thu gần 1,5 tỷ/tháng.

Không chỉ dừng lại trên địa bàn TP Đà Nẵng, đến nay, chị Hồng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất sản phẩm tại Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Kạn, Thái Nguyên… Mục tiêu của chị là đến năm 2020 có thể xử lý được 846 tấn rác thải hữu cơ/tháng và giải quyết việc làm, thoát nghèo bền vững cho hơn 2.000 lao động nữ thuộc hộ nghèo trên cả nước.

Nói về ý nghĩa của mô hình, chị Bùi Thị Kim Vân ở phường Hòa Minh cho biết: “Từ khi học được mô hình của chị Hồng, chúng tôi tự động gom và phân loại rác thải. Mỗi gia đình trang bị một số thùng nhựa để ủ rác thải đúng quy trình. Chế phẩm sau ủ thu được, tôi dồn lại và bán cho cơ sở Minh Hồng". Còn chị Huỳnh Thị Lệ, ở phường Hòa Minh chia sẻ: "Cách làm của chị Hồng góp phần tăng thu nhập rất hiệu quả cho chị em trong khu dân cư. Thời gian làm không bị bó buộc, trong khi đó rác thải từ các chợ, khu dân cư đến trong gia đình đều được tận dụng triệt để. Trung bình mỗi tháng, tôi bán cho Công ty Minh Hồng hơn 2.000 lít chế phẩm thô, thu nhập thêm khoảng 4 triệu đồng".

Hiện nay, chị Hồng đã mạnh dạn thử nghiệm và thành công với sản phẩm sinh học từ rác hữu cơ cùng với một số thảo dược khác để sản xuất ra các dòng sản phẩm, như: Nước rửa chén, nước giặt, dầu gội đầu, sữa tắm… bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn cho người sử dụng. Sản phẩm của chị ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu thị trường; được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Chứng nhận nhãn hiệu. Tháng 7-2016, chị Hồng quyết định thành lập Công ty TNHH MTV Minh Hồng và rồi năm 2018, chị đổi tên thành Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Minh Hồng.

Phần thưởng dành cho niềm đam mê… 

Tháng 1-2016, chị Hồng quyết định tham gia Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng. Qua nhiều lần chọn lọc, phỏng vấn, dự án của chị Hồng là một trong số 8 startup đầu tiên được lựa chọn triển khai mở rộng và hỗ trợ vốn. Cũng từ Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng, chị Hồng được đào tạo kiến thức về tầm nhìn doanh nghiệp; kỹ năng lập kế hoạch; quản lý doanh nghiệp; cách gọi vốn từ các nhà đầu tư… Chưa hết, cũng trong năm 2016, chị Hồng đem sáng chế “Chế phẩm sinh học đa dụng” tham gia 4 sự kiện lớn: Diễn đàn Khoa học và Công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Đà Nẵng; Hội nghị Kết nối cung cầu do Bộ Công Thương và UBND TP Đà Nẵng tổ chức; Hội chợ Thiết bị Công nghệ (Techmart Ha Noi 2016) và Cuộc thi sáng tạo do Hatch Fair 2016 tổ chức. Đặc biệt, ở Cuộc thi sáng tạo do Hatch Fair 2016 với 3 vòng thi, hơn 400 dự án của cả nước, mô hình của chị là đội duy nhất thắng cuộc. Phần thưởng là một chuyến dự thi thế giới tại Phần Lan (dịp cuối năm 2016).

Năm 2017, sáng chế của chị tham dự và giành Giải thưởng môi trường Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Ngày hội “Phụ nữ khởi nghiệp” 2017 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam, năm 2016 Hội LHPN TP Đà Nẵng tổ chức, sáng chế đều gây tiếng vang và được hỗ trợ 3.000USD để mở rộng kinh doanh;… được HPN các cấp tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Ngoài ra, trong vai trò Phó chủ tịch Hội Từ thiện và bảo vệ quyền Trẻ em quận Liên Chiểu, chị Hồng có nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện giúp đỡ những hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống và khơi nguồn nhiều mô hình giúp cộng đồng dân cư phát triển theo hướng tích cực, như mô hình: “Tổ góp vốn tình thương”, “Tiết kiệm 2T”… Mô hình nào do chị nghĩ ra cũng thành công và được nhân rộng. Ví như mô hình “Tổ góp vốn tình thương”. Ban đầu chỉ có một số chị ở khu dân cư Hòa Phú 5 tham gia với số tiền 30 triệu đồng. Dần dần, nhận thấy mô hình có hiệu quả giúp chị em có nguồn vốn kinh doanh, sản xuất, nên đến nay đã có gần 500 chị em tham gia. Hiện, nguồn vốn vẫn luôn được bảo toàn và phát triển với tổng số vốn hơn 1,6 tỷ đồng, giải quyết cho 220 lượt hộ gia đình vay vốn giải quyết việc làm, thoát nghèo bền vững.

Bằng nỗ lực và quyết tâm, chị Hồng đã biến từ những điều "không thể" thành "có thể". Trong tâm nguyện của mình, chị luôn mong muốn ngày càng tạo nhiều việc làm cho những chị em phụ nữ hoàn cảnh khó khăn có việc làm và thu nhập ổn định. Đó chính là điều kiện và động lực để mỗi người vươn lên thoát nghèo. Suy nghĩ và việc làm của chị Trịnh Thị Hồng thật đáng quý!